Một cái nhìn tổng quát về Kỹ sư Cơ khí – P2

Một cái nhìn tổng quát về Kỹ sư Cơ khí – P2

Một cái nhìn tổng quát về Kỹ sư Cơ khí – P2

Tên bài viết này có vẻ khá “to tát” nhưng tôi chỉ tập trung vào những ý chính yếu nhất, trọng tâm nhất để tạo sức bậc cho ngành Cơ khí. Thật ra, để trở thành nhà hoạch định chiến lược, họ cần có kinh nghiệm, số liệu cụ thể, am hiểu về dòng chảy công nghệ thế giới và tình hình công nghiệp của đất nước. Điều này cần có thời gian và sự quan tâm thật sự vào lĩnh vực mình chuyên trách.

Tiếp theo phần 1, chúng ta theo dõi tiếp bài viết Cái nhìn tổng quát về Kỹ sư Cơ khí nhé.
 

kysucokhi Một cái nhìn tổng quát về Kỹ sư Cơ khí P2


Bài 3: Nếu tôi là nhà hoạch định chiến lược cho ngành Cơ khí

Tên bài viết này có vẻ khá “to tát” nhưng tôi chỉ tập trung vào những ý chính yếu nhất, trọng tâm nhất để tạo sức bậc cho ngành Cơ khí.

Thật ra, để trở thành nhà hoạch định chiến lược, họ cần có kinh nghiệm, số liệu cụ thể, am hiểu về dòng chảy công nghệ thế giới và tình hình công nghiệp của đất nước. Điều này cần có thời gian và sự quan tâm thật sự vào lĩnh vực mình chuyên trách.

Bài viết này có thể xem là sự cố gắng của chính tác giả “tập làm” nhà hoạch định chính sách, chia sẽ suy nghĩ của mình. Với những điều kiện như thế thì chắc chắn sẽ gây ra nhiều ý kiến khác nhau, đó cũng là điều tôi mong muốn để có cơ hội trao đổi thêm về quan điểm.

Thật ra, khi hoạch định chính sách, người phát thảo cho chiến lược luôn luôn phải thông qua những hội đồng khoa học và dư luận xã hội. Hay nói cách khác, tác giả phải luôn lắng nghe những phản biện xã hội để hoàn thiện thêm chiến lược hay thậm chí thay đổi cái mới hoàn toàn.

Tôi cho rằng chúng ta cần đầu tư 4 mũi đột phá để tạo sức bậc cho ngành Cơ khí: Cơ khí hàng hải, Cơ khí nông nghiệp, Thiết kế sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng, Phát triển mạnh về công tác vận chuyển hậu cần và dây chuyền hỗ trợ (Logistics and supply chain).

Tôi chọn “4 mũi tấn công” này bởi các lý do:
+ Điều kiện thực tế của nước ta để đáp ứng cho sự phát triển.
+ Nguồn lực phát triển (con người, trình độ công nghệ, nguồn vốn đầu tư)
+ Theo những xu hướng phát triển của thế giới
+ Mức độ quan trọng và sự đòi hỏi thực tế sản xuất.

1. Cơ khí hàng hải chỉ tập trung vào công nghiệp đóng tàu và thiết bị khai thác tài nguyên biển. 
Đất nước VN trãi dài ven bờ biển Đông, với hơn 3200 km đường biển, có vị trí địa lý hết sức thuận lợi cho giao thông hàng hải và giao thương biển. Bởi chính lẽ này, vai trò cơ khí hàng hải cần được phát huy mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, công nghiệp đóng tàu sẽ tác động lớn đến môi trường và ngành du lịch.

Do vậy, chúng ta cần huy hoạch cho phép đóng tàu ở những nơi không có cơ hội phát triển du lịch và chỉ tập trung cho công nghiệp này trong khoảng thời gian 30 – 40 năm và đẩy mạnh chuyển giao công nghệ cho các nước khác, mình chỉ tập trung công đoạn thiết kế, đào tạo nhân lực và các dịch vụ liên quan.

2. Cơ khí nông nghiệp: đặc biệt chú trọng đến cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản. 60% dân số VN sống khu vực nông thôn và nghề nông là chủ yếu. Nhìn sang Pháp, đất nước phát triển nhưng họ vẫn có nền nông nghiệp rất mạnh, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nông sản, lương thực cho Châu Âu. VN cũng có thể học hỏi từ chính mô hình này, xây dựng VN thành vựa lúa, ngũ cốc, nông sản cho khu vực và thế giới. Để được như vậy, một trong những giải pháp quan trọng là phải cơ giới hóa mạnh mẽ nông nghiệp.

Tôi hay đi miền Tây nhiều lần, vậy mà vẫn bắt gặp được hình ảnh con trâu đi trước, cái cày đi sau. Điều này không thể chấp nhận được trong thế kỷ 21 này. Bây giờ phải là hình ảnh người nông dân điều khiển máy cày, máy gặt lúa, máy cắt… mới mong có những bước phát triển mạnh cho nông nghiệp

Chúng ta có những điều kiện để trở thành nơi cung ứng nông sản hàng đầu cho khu vực và cả thế giới, những sản phẩm VN đã được chấp nhận rộng rãi như lúa gạo, càfé, cacao, hồ tiêu… Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục phát huy. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể làm nhiều hơn thế.

Song song đó, việc xây dựng những nhà máy chế biến nông sản để giải quyết đầu ra cho người nông dân. Điều này mang lại giá trị lợi nhuận rất cao cho nông sản chúng ta và có cơ hội chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Xin lấy ví dụ, một hủ mức thơm siêu thị bán 32.000 đồng. Nguyên liệu bao gồm thơm, đường và hương liệu. Có thể tính nhẩm được rằng, thơm nguyên liệu làm ra hủ mức ấy không hơn 2 trái (1.500) + 0,5 kg đường (2.000) + nhân công và vận chuyển (1500) = 5000 thì so với giá 32ng (gấp khoảng 6.5 lần) thì quả là điều đáng chúng ta quan tâm.

3. Thiết kế sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng. Theo nghiên cứu của hiệp hội kỹ sư Mỹ (EAA) thì quá trình thiết kế sản phẩm chiếm 5% chi phí trong quá trình sản xuất nhưng mang lại 70% lợi nhuận trong thành phẩm. Điều này nói lên rằng, trong quá trình sản xuất, chính công đọan thiết kế sản phẩm mới thực sự mang lại lợi nhuận cao nhất.

Design for X” một khái niệm rất thông dụng và được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Có thể nói, khái niệm này là một trong những yếu tố quan trọng cho sự thành công của thương hiệu. Tất cả thương hiệu nổi tiếng thế giới đều có những “bản sắc” trên khái niệm này.

Ví dụ như IKEA “design for assembility and manufacturing”, Toyota “design for servicability and environment”, HP “design for maintenancability”, Boeing “design for safety”. Do vậy, trong chương trình học của SV ngành CK luôn có phần trọng tâm này, dù là hệ ĐH hay Sau ĐH (tiếc là chúng ta chưa có đưa điều này vào trong chương trình dạy. NTU dạy về “design for X” chiếm 15% khối lượng chương trình. Điều này nói lên rằng, thiết kế sản phẩm là lĩnh vực đuợc ưu tiên hàng đầu cho khối công nghiệp nói chung và ngành Cơ khí nói riêng.

Một ví dụ điển hình khác là chiếc điện thoại di động, chính những mẫu thiết kế của các hãng là nhân tố then chốt cho sự bán chạy của dòng sản phẩm, chứ không phải vấn đề công nghệ (chức năng của các hãng tương tự nhau, không có nhiều khác biệt).

Bài học chiến lược trong quá trình đẩy mạnh quá trình thiết kế để chiếm lĩnh thị trường có thể xem Acer là thương hiệu đáng học tập. Acer là nhãn hiệu máy tính của Đài Loan. Acer luôn đi sau các thương hiệu lớn khác về mặt công nghệ nhưng họ đã khai thác tập trung vào thiết kế mẫu mã cho từng khu vực, cho từng điều kiện các nước, phân khúc thị trường bằng những mẫu mã khác nhau. Và họ đã rất thành công, trở thành thương hiệu toàn cầu (nhưng ít ai biết họ là nhãn hiệu của Đài Loan). Trong hai năm 2004, 2005, Acer đã trở thành thương hiệu máy tính số 1 của Châu Á (về mặt doanh thu).

Ngành Cơ khí, có thể nói đã phát triển mạnh đến mức cao nhất về công nghệ chế tạo (dù ở ta còn chưa đạt đến điều này). Vấn đề để các quốc gia dốc sức cạnh tranh chính là mảng thiết kế sản phẩm mà Mỹ, các nước Châu Âu và một số nước Châu Á (Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore) đang đẩy mạnh và thực thi chiến lược này.

4. Phát triển mạnh về công tác vận chuyển hậu cần và dây chuyền hỗ trợ (Logistics and supply chain). Khái niệm này còn khá mới mẻ ở chúng ta do nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Để sản xuất sản phẩm thì chúng ta cần có nguyên liệu sản xuất (chở từ vùng nguyên liệu hay từ đối tác), sản phẩm sau khi sản xuất thì phải đưa ra thị trường càng nhanh càng tốt… Những công tác này doanh nghiệp rất cần đặc biệt quan tâm, tuy nhiên họ không thể tự mình làm tất cả. Do vậy, hình thành hệ thống logistics and supply chain rất quan trọng, được xem như những mạch máu mang dinh dưỡng đi nuôi cơ thể. Không có hệ thống này thì những cố gắng của doanh nghiệp sản xuất xem như không có ý nghĩa.
Nhìn từ Singapore, diện tích rất nhỏ nhưng cảng của Singapore có khối lượng xếp dỡ nhiều nhất thế giới. Một trong những chìa khóa thành công chính là công nghệ Logistics and supply chain của Singapore phải nói là phát triển hành “đỉnh” của thế giới. Từ Singapore, hàng hóa được phân phối khắp thị trường Châu Á và là trạm trung chuyển cho thế giới.

Hay như nhãn hiệu máy tính Dell. Ít ai biết rằng họ không có nhà xưởng chứa những sản phẩm. Điều này rất thú vị và ít ai biết tới, vì họ đã xây dựng cho mình hệ thống phân phối, vận tải hết sức chuyên nghiệp. Khi khách hàng đặt hàng, 2 giờ sau là sản phẩm được lắp ráp ngay và đưa đến tay người tiêu dùng bằng hệ thống của họ.

DHL, TNT cũng là nhà cung cấp vận tải hàng hóa hàng đầu thế giới. Họ đã và đang phát triển cho mình hệ thống Logistic và supply chain rất mạnh. Một hệ thống này cho VN, cung cấp giải pháp vận tải và hậu cần toàn diện cho doanh nghiệp của ta, tại sao không nhỉ?

Qua hai ví dụ trên để thấy rằng công nghệ vận tải, hậu cần, dây chuyền hỗ trợ có vai trò rất lớn trong quá trình sản xuất công nghiệp và cả cho ngành nông nghiệp.

Ngoài những mũi nhọn trên, chúng ta nên chỉ quan tâm đầu tư vừa phải vào những hướng còn lại như cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo máy, cơ khí máy đồng bộ, cơ khí luyện kim,… (phục vụ vừa đủ cho tiêu dùng trong nước). Điều này rất dễ giải thích vì nó tốn rất nhiều chi phí đầu tư ban đầu; công nghệ thế giới đã quá tốt nên nhập về đề sử dụng và cải tiến hơn là nghiên cứu mất thời gian và khó có thể đuổi theo kịp về công nghệ vì chúng ta thua quá xa; nguồn nhân lực chúng ta không đủ để có thể tạo những cú hích. Những điều này sẽ được bàn tới cụ thể hơn trong bài viết bàn về sự phát triển ngành Cơ khí trong thế giới phẳng.

Bài 4: Những vấn đề về sự phát triển ngành Cơ khí trong thế giới phẳng.

Từ khi cuốn sách “Thế giới phẳng” được viết ra, nó trở thành cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều thế hệ độc giả trên khắp hành tinh. Hệ quả tiếp theo là mọi thứ trong cuộc sống này đều soi mình vào “thế giới phẳng” đó xem mình đang đứng ở đâu, vị trí nào và đi bước đi tiếp theo ra sao.

Bài viết này là bài viết cuối cùng trong loạt 4 bài viết về ngành nghề Cơ khí. Bài viết tiếp tục nêu quan điểm của người viết về vần đề phát triển ngành Cơ khí trong thế giới phẳng, dưới góc nhìn của một người trẻ tuổi và đang đứng ngay đất nước cửa ngõ thế giới, được theo học ngôi trường nằm top 20 trường ĐH kỹ thuật của thế giới. Nói như thế không phải để “tự khoe bản thân” mà để biết rõ góc nhìn của người viết, để có những chia sẽ, có những hướng nhìn cho phù hợp.

1. Thế giới thực chất không phẳng:
Ai cũng biết trái đất này hình cầu. Thế thì làm sao phẳng được? Nhưng tại sao cuốn sách “thế giới phẳng” được hâm mộ trên toàn thế giới? 

“Thế giới phẳng” không ngụ ý nói lên hình dạng vật lý của thế giới này, mà họ đề cập đến thế giới quan của con người đang sống, của một thế giới mà sự phân biệt địa lý, biên giới chỉ là hình thức. Con người ta hợp tác, cạnh tranh nhau trên một nền phẳng và xuất phát điểm của mỗi người là tương tự nhau.

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều rào cản làm cho thế giới không phẳng như người ta đề cập. Những rào cản đó xuất phát từ con người, từ những ấu trĩ trong tư duy, từ cái sợ sệt không dám hội nhập vì e sợ thử thách. 

Nhìn ở một tập hợp nhỏ, sinh viên ngành Cơ khí. Số sinh viên năng động thực sự, yêu ngành nghề, hiểu mình đang học hành những gì thì không nhiều. Không biết tác giả bài viết có bi quan lắm không (mong là tác giả quá bi quan). Nếu như bạn đọc bài viết này là học ngành Cơ khí, bạn tự trả lời cho mình câu hỏi rằng bạn hiểu mức độ nào ngành này, bạn yêu công việc của bạn ra sao? Nếu có những thống kê chính thức sẽ có những con số đáng suy nghĩ. 

Nói điều này ra để liên hệ với bản thân mình, ngày trước tôi quyết định học CK vì dựa vào yếu tố dễ kiếm việc làm, chứ không thực sự bằng tình yêu nghề nghiệp. Nhưng tôi đã dấn thân và tự tìm hiểu về ngành CK này và phát hiện ra rất nhiều điều thú vị. Còn bạn thì sao? Bạn đã sẵn sàng trao một tình yêu vào nghề nghiệp của mình sắp tới hay có những bước gì để hội nhập trong thế giới phẳng.

Có thể, chính bạn đang tự dựng lên cho mình những rào cản trong thế giới phẳng này. Một trong những rào cản đó là khả năng ngoại ngữ. Thế giới này sẽ là như một cái giếng làng, nếu như bạn không biết ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh – một ngôn ngữ phổ thông của thế giới. Tôi có thể khẳng định như thế. Rất nhiều người tôi biết có năng lực thật sự, có tư duy tốt nhưng không có khả năng ngoại ngữ thì cũng không có nhiều ý nghĩa. Họ loay hoay tìm cho mình một con đường, xây dựng cho mình những ước mơ bay cao, bay xa nhưng bản thân họ đang tự dựng những rào cản hội nhập mà không nhận thức được.

Hàng rào thứ hai mà bạn đã dựng lên cho mình chính ngay thái độ và cách ứng xử hàng ngày trong cuộc sống này. Nếu bạn thấy trong phim nước ngoài cảnh người ta xếp hàng để mua hàng hóa, bỏ rác vào thùng, nói năng lịch sự… thì bạn tự hỏi bản thân mình rằng những việc ấy đã trở thành thói quen hay chưa? Nếu chưa, bạn chưa thể gọi là người văn minh trong thế giới này đuợc, dù bạn là kỹ sư hay bác sỹ gì đó.

Cái điều cuối cùng tôi muốn chia sẽ với các bạn đó là thái độ và tinh thần học hỏi trong công việc. Chắc chắn không ai cười bạn vì bạn dốt, nhưng người ta sẽ cười bạn nếu bạn không có tinh thần học hỏi, cầu tiến. Việc học là sự nghiệp suốt cả cuộc đời, con người ta không ngừng học hỏi. Bởi vậy, nếu ai đó chỉ ra rằng bạn còn kém về kiến thức thì hãy cảm ơn người đó và hành động tiếp theo là bạn nên học những cái người ta chỉ ra bạn còn thiếu.

2. Không có những nghề nghiệp xấu, chỉ có những con người bôi bẩn ngành nghề đó.
Xã hội nếu không thể gọi là văn minh nếu không có những người lao công. Bạn sẽ không thể sống nếu như không có những người nông dân suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Do vậy, dù bất cứ ngành nghề nào, tự bản thân họ đã có những đóng góp nhiều ý nghĩa cho sự phát triển xã hội này.

Nói ở góc độ gọn hơn trong ngành công nghiệp. Trong thế kỷ 21, những ngành như khoa học máy tính, điện tử, viễn thông có sức hút mãnh liệt đối với các bạn trẻ. Nhưng bạn thử nghĩ xem, nếu không có những người làm nghề Cơ khí sáng tạo ra những hệ thống sản xuất thì phát minh ra máy tính để làm gì, điện tử phát triển mạnh ứng dụng vô cái cụ thể nào, những đoạn code chương trình viết ra cho ai đọc? Nói như thế, để thấy rằng, mọi thứ đều liên quan và phụ thuộc lẫn nhau, có mối quan hệ biện chứng sâu sắc. Mỗi người làm ở bất cứ lĩnh vực nào cũng có quyền tự hào về những đóng góp của họ. Tôi cần anh, anh cần tôi và chúng ta cần có nhau.

3. Hành động địa phương, suy nghĩ toàn cầu
“Thế giới phẳng” đã tạo ra cho con người ta những cơ hội hợp tác toàn diện, cơ hội học tập và tiếp thu những tri thức nhân loại và vận dụng nó vào trường hợp của bản thân. Lịch sử đã chứng minh rằng, bất cứ sự lặp lại nào cũng là những trò đùa lố bịch. Như thế, không phải những gì đất nước khác làm rồi, chúng ta mang về y hệt thì có nghĩa là chúng ta thành công. Mà cần có sự đầu tư, sàng lọc và áp dụng một cách sáng tạo dựa trên tình hình cụ thể của địa phương.

Trung Quốc trở thành “nhà máy” của thế giới và hiện nay là thế lực mạnh của thế giới hôm nay. Những chuyên gia đã tổng kết họ có ba bước phát triển: đẩy mạnh sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu một phần, tạo động lực cho sản xuất trong nước; copy nguyên mẫu và bước cuối cùng là họ đẩy mạnh sáng tạo cho thương hiệu riêng. Những bước đi của họ có thể đánh giá là thành công, tuy nhiên họ trả giá không ít, đặt biệt cho môi trường và thương hiệu Trung Quốc. Ccái chính ở suy nghĩ kiểu copy, làm dối chạy theo giá thành đã làm tổn hại không ít đến uy tín đất nước. Trong suy nghĩ nhiều người, hàng Trung Quốc không gắn liền với chất lượng. Khác hẳn hàng hóa từ Nhật hay Mỹ, bản thân dòng chữ “Made in Japan” đã là dấu chất lượng cao.

Tuy nhiên, bài học xây dựng thành công nền giáo dục chất lượng cao của Singapore rất đáng để chúng ta học hỏi. Họ có hai trường ĐH tầm cỡ thế giới, trong đất nước có diện tích nhỏ hơn cả TP.HCM. Chìa khoá chính là họ đã mua bản quyền và áp dụng rất thành công mô hình giáo dục kiểu mẫu của Harvard và MIT vào Singapore. Ngay chính tầm nhìn của NTU, họ nói rất đơn giản “xây dựng một MIT của Châu Á tại NTU”. Rõ ràng, họ đã thành công vượt bậc. Cùng năm thành lập với ĐH Quốc gia TP.HCM (dù lịch sử đã có từ 1955, nhưng chủ yếu dạy cho dân Singapore và sử dụng ngôn ngữ tiếng Hoa) nhưng NTU nay đã là trường quốc tế, có hơn 8000 du học sinh đến từ 62 nước, nằm trong top 20 trường ĐH kỹ thuật hàng đầu thế giới, thậm chí trường Kinh tế của họ nằm trong top 3 Châu Á – Thái Bình Dương và chương trình MBA trong top 100.

Nói đến trường hợp TQ, Singapore để khẳng định một điều rằng, chúng ta cần có những con đường đi riêng, áp dụng mô hình có sáng tạo trong tư duy “đi tắt đón đầu”. Tôi rất thích câu slogan này của chính phủ trong việc thúc đẩy sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, những gì chúng ta làm chưa thể hiện hết ý nghĩa của câu nói này. Vẫn còn nhiều bất cập, đôi lúc chúng ta làm theo mô hình này, nay lại chuyển cái khác. Cuối cùng đó là một mớ bong bong mà không biết khi nào giải quyết rốt ráo.

4. Thần dân Cơ khí – cần lắm một bản sắc và tư duy mang toàn cầu
Dù có một lịch sử phát triển dài và được xem là nền tảng của công nghiệp, nhưng xem ra, những người làm ngành nghề này chưa có một hiệp hội đúng nghĩa, thúc đẩy sự phát triển ngành nghề và xây dựng cho mình một bản sắc riêng. Bản sắc ấy ở một góc độ nào đó có thể xem là “ý thức hệ” cho những đồng nghiệp. Điều này rất cần thiết trong một thế giới phẳng khi bản sắc là yếu tố duy nhất phân biệt cái tôi cá nhân, thể hiện bản lĩnh, sự sáng tạo trong tư duy của mình.

Sẽ là phí phạm và không không ngoan khi chúng ta không tận dụng được những cơ hội, kiến thức của những đồng nghiệp trên thế giới phẳng này để tạo cú hích, động lực cho sự phát triển của ngành. Ngành Cơ khí thế giới hiện nay đã đạt tầm mức rất cao, con người đã chế tạo ra phi thuyền bay vào vũ trụ, chế tạo máy làm việc trên môi trường ảo, mọi thứ được giám sát và thực thi cũng trên môi trường giả lập. 

Hãy nhìn lại mình, nhìn lại những gì mình đang học tập, nhìn lại những rào cảm mà mình đã tạo nên trong quá trình hội nhập, hợp tác, cạnh tranh toàn cầu như hiện nay. Chúng ta sẽ thấy mình còn phải làm rất nhiều điều.

Thông điệp của tôi, sau loạt bài viết này là bạn hãy cởi mở tư duy của mình, hãy nhìn cuộc sống và dòng chảy công nghệ qua lăng kính của người trẻ tuổi đầy sức sống và dám đương đầu với thử thách. Sẽ có nhiều điều thú vị đang chờ bạn.